Quá trình phát triển của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam phần 1
Quá trình phát triển của Hàn Quốc Từ một nước nhận viện trợ trở thành một nước viện trợ Sự phát triển thành công của một quốc gia khô...
https://www.korea.info.vn/2013/12/qua-trinh-phat-trien-cua-han-quoc-va-bai-hoc-cho-viet-nam-phan-1.html
Quá trình phát triển của Hàn Quốc
Từ một nước nhận viện trợ trở thành một nước viện trợ
Sự phát triển thành công của một quốc gia không bao giờ diễn ra một cách ngẫu nhiên mà nhất định phải có nguyên do của sự thành công đó. Hàn Quốc là một nước có bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc trải qua mấy nghìn năm. Tuy nhiên, bước vào thế kỷ 20 Hàn Quốc đã phải chịu sự thống trị của thực dân Nhật trong một thời gian dài và trải qua cuộc chiến tranh liên Triều ác liệt chính thức bắt đầu vào ngày 25/6/1950. Từ đó, Hàn Quốc đã bị rớt xuống trở thành 1 trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Hàn Quốc của ngày hôm nay đã nhanh chóng thực hiện công nghiệp hóa, dân chủ hóa và đến nay đã gia nhập các nước phát triển. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện thành công vai trò Chủ tịch của Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Seoul vào năm 2012 (nhiệm kỳ 2 năm) và được Liên Hợp quốc lựa chọn để đặt trụ sở chính của Quỹ Khí hậu xanh (Green Climate Fund), Hàn Quốc đã được cộng đồng quốc tế công nhận vị trí quốc gia phát triển.
Thành phố Seoul Hàn Quốc |
Năm 2012, Hàn Quốc chính thức gia nhập Ủy ban Viện trợ Phát triển (DAC) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và ngày càng tăng cường viện trợ cho nhiều nước trên thế giới. Riêng năm 2012, vốn viện trợ phát triển chính thức ODA của Hàn Quốc là 500 triệu USD, con số này dự kiến sẽ tiếp tục được tăng lên vào mỗi năm. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất thay đổi từ một nước nhận viện trợ sau đại chiến thế giới lần thứ hai trở thành một nước viện trợ. Bản thân tôi cũng quan niệm rằng giống như khi đã nhận sự giúp đỡ từ người khác thì chúng ta sẽ có hành động đáp lại ân huệ đó, vậy thì một quốc gia đã từng nhận viện trợ từ một nước khác cũng cần đi giúp đỡ quốc gia khác nữa, đó mới chính là đạo lý. Đặc biệt, từ năm 2010, trong 3 năm thông qua hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến tranh liên Triều, Hàn Quốc đã mời các binh sĩ của nhiều nước trên thế giới từng tham chiến tại Hàn Quốc và tổ chức các chương trình thể hiện lòng biết ơn đối với các binh sĩ đó.
Thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc vào năm 1963 là 100 USD, năm 1977 là 1.000 USD, năm 1995 là 10.000 USD và đến năm 2007 đã tăng mạnh lên con số 20.000 USD. Trên thế giới không một nơi đâu có xu thế tăng nhanh như vậy. Bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm qua, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc vẫn đột phá mục tiêu 1.000 tỷ USD và vươn lên đứng thứ 9 thế giới về quy mô thương mại. Quy mô kim ngạch xuất khẩu cũng đứng thứ 7 trên thế giới (dựa trên 5 tiêu chí: Giáo dục, Sức khỏe, Chất lượng cuộc sống, Sự năng động của nền kinh tế và Sự ổn định chính trị) do Tờ Newsweek của Mỹ bình chọn. Với những thành tích kể trên, sự tăng trưởng về văn hóa và năng lực ngoại giao của Hàn Quốc cũng tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, Hàn Quốc đã giành quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông 2018 tại Pyeongchang. Tại Thế vận hội mùa hè năm 2012 được tổ chức tại London vừa qua, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành cường quốc thể thao đứng thứ 5 trên thế giới. Lĩnh vực văn hóa bao gồm phim truyền hình, âm nhạc đại chúng mà tiêu biểu là ca khúc Gangnam Style của ca sĩ Psy đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng Billboard đang tạo nên một làn sóng Hàn Quốc ngày càng lan rộng. Đặc biệt việc ông Ban Ki Moon tái đắc cử Tổng Thư ký Liên Hợp quốc và ông Kim Yong được chọn làm tân Chủ tịch Ngân hàng Thế giới là những chứng cứ công nhận năng lực lãnh đạo của người Hàn Quốc trên vũ đài quốc tế. Nhờ có sự nỗ lực của Chính phủ và sự ủng hộ của người dân, Hàn Quốc ngày càng đạt được nhiều thành tựu lớn về văn hóa, thể thao và ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong quá khứ.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy Hàn Quốc cũng còn rất nhiều vấn đề tồn đọng cần được giải quyết như vấn đề tỉ lệ sinh sản thấp, sự già hóa dân số, việc xây dựng lòng tin xã hội, việc xác lập trật tự luật pháp, khai thác động lực tăng trưởng của các thế hệ sau, việc tăng cường năng lực an ninh… Dù vậy, xét một cách tổng quan thì đến nay, Hàn Quốc từ một quốc gia nhận viện trợ sau thế chiến thứ 2 đã vươn lên trở thành quốc gia viện trợ cho các nước đang phát triển và được cộng đồng quốc tế công nhận là nước tiên tiến mới nổi có những bước phát triển ngoạn mục nhất thế giới.
Còn tiếp...